Trong khi các dịch vụ nội dung trực tuyến như game online, báo điện tử đang bị quản lý chặt chẽ thì dịch vụ nội dung di động lại bị lơi lỏng.
Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền Hình (Bộ TT&TT) đã thẳng thắn thừa nhận như vậy tại “Hội nghị Triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo” diễn ra chiều 13/11 tại Hà Nội. Sự lơi lỏng này đã dẫn đến tình trạng bát nháo, lộn xộn của tin nhắn quảng cáo suốt thời gian qua, gây bức xúc lớn trong xã hội. Thậm chí theo ước tính, số lượng tin nhắn quảng cáo mỗi năm lên tới hàng chục tỷ, tương đương với 10% tổng lượng tin nhắn lưu hành trên các mạng di động.
Vấn nạn “rác”
Thông thường, người dùng nhắn tin đến các đầu số xxxx hoặc gọi điện đến các tổng đài 1900xxxx để được cung cấp dịch vụ nội dung. Hiện nay, trên thị trường có tới 347 công ty CSP cung cấp dịch vụ, mỗi một công ty này lại ký kết với vài chục công ty “vệ tinh” khác (gọi tắt là CP, tức là chỉ làm nội dung mà không có đầu số). Chính vì sự lằng nhằng này mà khi thanh tra phát hiện sai phạm thì không thể xác định cụ thể sai ở khâu nào.
Và tất nhiên, mạng lưới lằng nhằng đó càng tạo điều kiện cho các CP, CSP lách luật để biến tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo thành một ma trận “muôn hình vạn trạng” và ngày càng tinh vi trong việc dụ dỗ, lừa đảo người dùng.
Có thể kể đến việc người dùng bị nhận tin hướng dẫn tải game nhưng trong quá trình cài đặt, các phần mềm này đã trừ thẳng tiền (lên tới 15.000 đ) trong tài khoản nhưng không hề thông báo trước cho người dùng. Một hình thức khác cũng rất phổ biến là tin nhắn rác có nội dung trao giải, trúng thưởng nhưng không có cơ chế nào để kiểm soát việc trúng thưởng, trao giải là có thật hay không. Thậm chí có cả CSP cung cấp truyện đồi trụy kiểu “cô giáo Thảo”, “chuyện ấy”… hoặc nội dung bói toán qua tin nhắn một cách công khai.
Báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Internet VNCERT tiết lộ, khoảng trên 60% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua đầu số 8xxx, 6xxx, 7xxx và khoảng 140 đầu số 1900 có liên quan ít nhiều tới tin nhắn rác. Hiện tại, chi phí để gửi tin nhắn rác chỉ khoảng 20-30 đồng/tin, trong khi hiệu quả phát tán lại cao nên việc nhiều CP, CSP khai thác mạnh hình thức này cũng không có gì quá bất ngờ. Bên cạnh đó, việc thuê bao trả trước chưa thực sự được quản lý chặt càng “tiếp tay” cho họ lách luật.
Chấp nhận hy sinh
“Theo Nghị định mới, tin nhắn quảng cáo sẽ chỉ được phép gửi từ 7-22h hàng ngày. Các tin nhắn chứa đường link dẫn tới websex sẽ bị truy tố hình sự”. |
Khi đi tìm lời giải cho bài toán tin nhắn rác, khá nhiều ý kiến trước đây chỉ trích nhà mạng đã thờ ơ và không quyết liệt trong việc bảo vệ người dùng.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, đại diện của cả Viettel lẫn VNPT đã cho thấy sự đồng thuận không ngờ trong việc “hy sinh doanh thu” để ngăn chặn tin nhắn rác đến cùng. Cả hai đại gia di động đều cho biết, họ sẵn sàng không quan tâm tới doanh thu, dù đúng là tin nhắn quảng cáo có thể giúp phát sinh 3-4 tỷ đồng doanh thu mỗi ngày cho riêng một nhà mạng.
Nói như đại diện của Viettel thì đúng là trước đây, nhà mạng chưa quan tâm đến tin nhắn rác vì còn nhiều vấn đề khác phải ưu tiên giải quyết. “Quan điểm đó là sai lầm, nhưng nay thì chúng tôi sẽ hành động quyết liệt”.
Vị này khẳng định việc kiểm soát tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo bằng giải pháp công nghệ là hoàn toàn có thể. Hiện Viettel đang áp dụng một hệ thống SMS anti-spam và đã kiểm soát được khoảng 60% SMS. Trong thời gian tới, mạng này sẽ tiến hành nâng cấp các hệ thống còn lại trong mạng để nâng tỷ lệ kiểm soát lên 100%. Cơ chế của SMS Anti-spam là lọc từ khóa trong tin nhắn và giới hạn số SMS được gửi tối đa trên mỗi phút.
Ông Nghiêm Phú Hoàn, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết Tập đoàn này cũng đang áp dụng giải pháp kỹ thuật tương tự. Hệ thống phần mềm phát hiện thư rác này do VNPT tự phát triển và cũng chặn tin nhắn theo từ khóa hoặc tần suất nhắn tin.
Sự đổi ý của các nhà mạng (Telco) xuất phát từ việc người dùng ngày càng bức xúc với tin nhắn rác và nảy sinh nhu cầu chuyển mạng. Nếu kịch bản này xảy ra, chính nhà mạng, chứ không phải ai khác, sẽ chịu thiệt nhất.
Chơi trò đuổi bắt
Tuy nhiên, ông Hoàn cũng thừa nhận cuộc chiến với tin nhắn rác không hề đơn giản. Các hình thức spam biến đổi liên tục và càng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Để dẫn chứng, ông cho biết đầu tháng 6/2011, VNPT đã xây dựng được hệ thống báo cáo trực tuyến các trường hợp phát tán tin rác từ đầu số dịch vụ đến các thuê bao. Nhờ đó, việc spam bằng đầu số đã được hạn chế nhưng đối tượng lại lập tức xoay sang phát tán tin nhắn rác từ SIM trả trước.
Tháng 10/2011, VNPT tiếp tục xây dựng hệ thống phát hiện tin nhắn rác từ SIM trả trước. Kết quả là lượng tin rác đã giảm mạnh từ hàng triệu tin/ngày ở thời kỳ đỉnh cao xuống còn vài chục tin/ngày.
Thế nhưng chưa kịp mừng thì từ tháng 5/2012, các đối tượng lại chuyển sang spam qua Tổng đài 1900. Tháng 7 có thể coi là thời gian cao điểm với 1 triệu tin/ngày. Đến tháng 9, VNPT mới hoàn thiện được hệ thống anti-spam cho Tổng đài 1900 thì hình thức spam lại xoay sang đường link wappush với cao điểm 2 triệu tin nhắn/ngày. Trong đó rất nhiều đường link dẫn tới các nội dung đồi trụy.
Về biện pháp xử lý, VNPT đề xuất tiến hành khóa cú pháp xuất hiện trong tin nhắn quảng cáo và tạm ngừng kết nối, giảm trừ doanh thu đối với CSP vi phạm. Với những CP, CSP bị khóa cú pháp quá 3 lần/tháng sẽ bị không chia doanh thu. Thậm chí đã có 4 CSP bị thu hồi dịch vụ, chấm dứt hợp đồng do sai phạm nặng.
Sẽ phạt nặng để răn đe
Quan điểm mới của Bộ TT&TT cũng là xây dựng khung chế tài mới, xử lý nghiêm, nặng và quyết liệt đối với các hành vi và doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo.
Nghị định 77 về chống tin nhắn rác quy định, các CSP và CP đều phải đăng ký mã số quản lý với Bộ TT&TT, cũng như phải cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ do họ cung cấp trước khi đi vào hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở dữ liệu này cần được lưu trữ trong tối thiểu là một năm để các nhà mạng, Thanh tra và các sở TT&TT địa phương có thể dễ dàng kiểm tra, đối soát khi cần xử phạt. “Nếu không có cơ sở dữ liệu này thì chỉ là quản lý từ ngọn”, đại diện Sở TT&TT TP.HCM bình luận.
Bên cạnh đó, đại diện Viettel cũng đề xuất việc lập cơ sở dữ liệu không chỉ áp dụng ở cấp Bộ mà còn ở cả cấp Telco. Hiện mạng này đang yêu cầu các CP phải đăng ký dịch vụ và mã lệnh lên hệ thống trước, sau đó mới được nhà mạng duyệt cho hoạt động. Hình thức “tiền kiểm” này sẽ giúp hạn chế và ngăn chặn nhiều dịch vụ lừa đảo, Viettel phân tích.
Đối với các tin nhắn có chứa đường link dẫn tới nội dung sex, đồi trụy hoặc phản động, các nhà mạng kiến nghị cần xử lý hình sự. Bộ TT&TT sẽ phối hợp cùng Bộ Công an xem xét truy tố trước pháp luật một số trường hợp vi phạm điển hình trong việc phát tán tin nhắn rác.
Thậm chí theo Dự thảo quản lý các đầu số mà đại diện Cục Viễn thông chia sẻ tại Hội nghị, Bộ TT&TT có thể sẽ thu hồi đầu số dịch vụ tin nhắn ngắn từ các nhà mạng để cấp trực tiếp cho các CSP. Nếu vậy thì mô hình CSP thuê kho số, sử dụng hạ tầng của nhà mạng sẽ chuyển thành CSP hợp tác với nhà mạng để cung cấp dịch vụ. Bộ TT&TT hy vọng cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho CSP hoạt động một cách minh bạch, từ đó giảm thiểu tiêu cực và vi phạm.
Các mức xử phạt trước đây hầu hết đều được tăng nặng, đồng thời Nghị định còn bổ sung thêm nhiều hình thức xử phạt mới cho những hành vi như thu sai cước, không hoàn lại cước, giả mạo khi gửi tin nhắn… Số tiền phạt tối đa có thể lên tới 80 triệu đồng. Một số sai phạm nghiêm trọng có thể bị thu hồi mã số quản lý, thu hồi brandname, thậm chí đình chỉ vĩnh viễn hoạt động cung cấp dịch vụ.
Nghị định 77 về chống tin nhắn rác quy định: - Các nhà mạng sẽ phải triển khai một loạt biện pháp như cung cấp công cụ đăng ký nhận, từ chối tin nhắn quảng cáo cho người dùng; hướng dẫn thuê bao phản ánh tin nhắn rác mà họ nhận được; triển khải hệ thốn ngăn chặn tin nhắn rác tối thiểu (theo từ khóa và nguồn gửi); giới hạn tần suất nhắn tin từ mỗi nguồn gửi… Đối với các CSP và CP, Nghị định quy định mọi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn đều phải đăng ký mã số quản lý và phải cung cấp đầy đủ thông tin về những dịch vụ do mình cung cấp cho Bộ TT&TT trước khi đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp này phải có website cung cấp đầy đủ thông tin như giá cước, cách sử dụng…tới người dùng. Nghị định này cũng nghiêm cấm việc thu cước sử dụng dịch vụ mà không thông báo trước cho người dùng. CSP và CP phải ngừng cung cấp tin nhắn quảng cáo ngay khi người dùng yêu cầu. Tất cả các chương trình quảng cáo khi gửi đi, CP và CSP phải gửi bản sao tới hệ thống kỹ thuật của Bộ TT&TT để phục vụ công tác giám sát sau này. Các tin nhắn quảng cáo cũng chỉ được phép gửi từ 7h-22h hàng ngày, trừ khi có thỏa thuận riêng với người nhận. |
Newer news items:
- TP HCM Lắp đặt camera giám sát giảm ùn tắc giao thông - Wednesday, 25 May 2016
- Chọn mua hệ thống camera an ninh - Tuesday, 10 May 2016
- 'CNTT là con đường ngắn nhất để phát triển đất nước' - Thursday, 20 June 2013
- Skype dính lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng - Sunday, 18 November 2012
- Magic Strike ra mắt bản Truyền thông... - Sunday, 18 November 2012
Older news items:
- Skype dính lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng - Sunday, 18 November 2012
- Magic Strike ra mắt bản Truyền thông... - Sunday, 18 November 2012
- Google, Microsoft là nơi làm việc tốt... - Sunday, 18 November 2012
- Apple hoãn phát hành máy tính iMac mới - Sunday, 18 November 2012
- Bộ đôi Revo lõi kép “cháy hàng” tại Hà... - Sunday, 18 November 2012