BIỆN PHÁP THI CÔNG CÁP QUANG CHI TIẾT:
1.TỔNG QUAN
Hạng mục này bao gồm thi công hệ thống cáp quang, các yêu cầu của Chỉ dẫn kỹ thuật và các chi tiết được chỉ ra trên bản vẽ hoặc do Tư vấn chỉ dẫn.
Hệ thống cáp quang tuân thủ các tiêu chuẩn về hệ thống ký hiệu được áp dụng ở Việt Nam và các chi tiết được chỉ ra trên bản vẽ.
2.THỜI GIAN LÀM VIỆC
Nhà thầu triển khai công việc thi công vào ban ngày. Nếu tiến độ thực tế công trường yêu cầu, Nhà thầu sẽ bố trí làm việc làm việc ngoài giờ theo sự chỉ dẫn của Tư vấn giám sát.
Nhà thầu xin đề xuất thời gian làm việc tất cả các ngày trong tuần, cụ thể như sau: Từ 7h30 sáng đến 18h hàng ngày / Từ thứ 2 đến chủ nhật hàng tuần
3.PHẠM VI THỰC HIỆN
Thi công hệ thống cáp quang.
4. NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC THI CÔNG
Nhà thầu triển khai công việc thi công vào ban ngày. Nếu tiến độ thực tế công trường yêu cầu, Nhà thầu sẽ bố trí làm việc làm việc ngoài giờ theo sự chỉ dẫn của Tư vấn giám sát.
Để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho thiết bị và người sử dụng, vật tư, thiết bị, dụng cụ thi công phải được tập kết đúng nơi quy định trên công trường trước khi thi công.
Thi công nơi có các công trình ngầm (điện, nước, cống thoát nước...), người lao động phải tránh va chạm với công trình ngầm, làm hư hỏng công trình ngầm; trường hợp phát hiện công trình ngầm không có trong hồ sơ thiết kế, phải tạm dừng công việc và báo ngay cho người có trách nhiệm xử lý.
Khi thi công trên đường giao thông, người phụ trách phải bố trí rào ngăn, đèn chiếu sáng, cử người hướng dẫn xe lưu thông trên đoạn đường thi công theo quy định của nhà nước; triển khai đào từng đoạn ngắn, ngay trong ngày đào đến đâu phải lắp đặt cống bể đến đó; chuyển toàn bộ đất đá dư thừa về địa điểm tập trung, không để đất đá vương vãi trên đường.
Để đảm bảo an toàn cho người thi công, quản lý, khai thác bảo dưỡng sau này, khoảng cách từ đường cống cáp tới các công trình khác phải đảm bảo được khoảng cách quy định trong Quy phạm xây dựng mạng ngoại vi
Thi công lắp đặt cống cáp qua đường sắt, qua đường bộ, phải sử dụng thiết bị khoan ngầm lắp đặt cống cáp. Người sử dụng thiết bị khoan ngầm phải nắm vững và thực hiện quy trình thao tác máy khoan và những quy định an toàn điện
4.1 Vận chuyển dụng cụ, nguyên vật liệu
Các phương tiện vận chuyển vật tư, thiết bị phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định; các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như cần cẩu, xe nâng phải có phiếu kiểm định.
Người điều khiển các phương tiện vận chuyển phải có giấy phép, phải tuân theo luật an toàn giao thông và quy trình sử dụng với từng phương tiện.
Khi bốc xếp vật tư thiết bị lên xuống phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện vận chuyển phải lưu ý các biện pháp an toàn.
Các loại xe thô sơ do người kéo chở vật liệu nặng, cồng kềnh phải có dây buộc chắc chắn. Khi đi vào các đường rẽ hoặc xuống dốc, xe phải đi chậm, trường hợp xe chở nặng lên dốc, khi đỗ phải có gỗ chèn bánh xe.
4.2 Quy định về mặt bằng thi công
Xung quanh khu vực công trường phải đặt rào chắn, biển báo ngăn chặn người không có nhiệm vụ ra vào công trường.
Trong khu vực thi công phải bảo đảm mặt bằng làm việc khô ráo sạch sẽ, nước không chảy vào hố, hầm cáp; vật liệu phế thải và các vật chướng ngại phải được dọn sạch.
Các miệng hầm, hố trên mặt bằng làm việc phải được đậy kín bằng vật liệu chắc chắn hoặc rào chắn; đường rãnh, hầm, hố cáp đang thi công nằm gần đường giao thông phải có rào chắn cao trên 1 m bao quanh, ban đêm có đèn đỏ báo hiệu; những vùng nguy hiểm có thể có vật rơi từ trên cao xuống nhất thiết phải có rào chắn, biển báo, trường hợp đặc biệt nguy hiểm phải có người cảnh giới liên tục.
4.3 Vận chuyển cuộn cáp đến vị trí tập kết
Nếu đưa cuộn cáp lên, xuống ô tô bằng sức người, người lao động phải dùng cầu tạo mặt phẳng nghiêng. Cầu được làm bằng những tấm ván dày hoặc gỗ vuông, bề mặt cầu phải ≥ (30 x 300) mm, độ nghiêng không quá 10o – 15o. Khi đưa cuộn cáp xuống xe, không ai được đứng trên đường lăn cuộn cáp; cuộn cáp phải có dây chão tốt luồn qua lõi để có thể hãm cuộn cáp khi cần.
Khi dùng cần cẩu đưa cuộn cáp lên xuống ô tô, người lao động phải dùng ống sắt tròn đủ cứng xuyên qua trục ru-lô, dùng dây cáp thép luồn qua ống thép để cẩu. Không ai được đứng và đi lại phía dưới cần cẩu. Khi nâng hạ cuộn cáp lên xuống xe, mọi người phải thực hiện đúng các quy định an toàn vận hành cần cẩu, xe nâng
Trước khi lăn cuộn cáp, người lao động phải sửa lại những chỗ gồ ghề, lồi lõm trên ru-lô; đinh nhô ra trên mặt cuộn cáp phải nhổ hết để tránh các tai nạn khi lăn cuộn cáp. Người lăn cuộn cáp phải sử dụng giày, găng tay bảo hộ lao động và phải luôn chú ý không để người qua lại trên đường lăn cáp.
4.4 Ra cáp
Trước khi ra cáp, người lao động phải dùng mễ (bô bin) đặt cuộn cáp cao hơn mặt đất từ 5 cm – 10 cm, nền đất phải phẳng, nếu đất bị lún phải kê ván vào chân mễ đề phòng trường hợp đang quay bị đổ mễ. Người quay mễ phải quay từ từ, thấy vướng phải dừng lại kiểm tra ngay.
Người chỉ huy trực tiếp việc ra cáp phải phổ biến tín hiệu bằng cờ hoặc còi và có biện pháp đề phòng con lăn chẹt tay những người tham gia; khi ra lệnh kéo hoặc ngừng phải rõ ràng, dứt khoát; phải luôn bao quát mọi vị trí, nhất là khi ra cáp qua cống ngầm, qua đường cái.
Khi ra cáp, người chỉ huy phải bố trí nhân lực cho đều, sao cho mỗi người không chịu quá 25 kg đối với nam giới và không quá 15 kg đối với nữ giới.
Ra cáp trong nhà có chất nổ, chất dễ cháy hay trong hầm, người lao động phải sử dụng đèn di động có điện áp an toàn; đường hầm phải có cửa thông ở hai đầu. Trước khi làm việc, người chỉ huy phải thử nồng độ khí độc xem có vượt quá tiêu chuẩn hay không.
Để việc nối cáp an toàn thuận lợi tránh xẩy ra tai nạn, người chỉ huy phải tính toán chiều dài cuộn cáp, không để mối nối qua đường sắt, đường quốc lộ, đường dây điện, qua sông ngòi.
Ra cáp qua đường giao thông, người phụ trách thi công phải xin phép đơn vị quản lý đường giao thông đặt rào chắn, biển báo và tạm dừng giao thông. Trường hợp không được phép dừng giao thông phải dựng đường dẫn cho cáp vượt qua. Chiều cao đường dẫn phải cao hơn chiều cao lớn nhất của tầu hoả, ô tô ít nhất là 1 m.
4.5 Lắp đặt cáp quang
Khi lắp đặt cáp quang, người lao động phải thực hiện thêm một số điểm sau:
Phải tắt các nguồn phát trước khi làm việc với các sợi quang, không được nhìn vào đầu sợi quang vì tia laze trong sợi quang không nhìn thấy có thể gây tổn thương nghiêm trọng đối với mắt người.
Khi tách cáp, cắt cáp quang cần phải thận trọng, dùng kính, găng tay bảo hộ để tránh các mảnh vụn rất sắc của sợi quang tạo ra từ quá trình cắt cáp có thể bắn vào mắt hoặc xuyên thấu vào da, phải thu dọn ngay các mảnh vụn sợi quang và cho vào một hộp chứa có nắp đậy.
Đối với những hoá chất dùng tẩy rửa các chất nhờn trong cáp quang cũng phải có các biện pháp đề phòng như trong trường hợp với cáp kim loại.
Khi thực hiện các thao tác với cáp quang cần hết sức thận trọng, không xoắn, thắt nút, dẫm đạp, quăng quật, để xe cơ giới chạy qua vì các sợi thuỷ tinh trong cáp quang có thể bị gẫy, gây nguy hiểm cho người thi công.
Kéo cáp quang trong ống chủ yếu kéo bằng tay, trường hợp kéo cáp bằng tay quá khó mới dùng xe kéo cáp ở tốc độ chậm. Vì vậy phải thường xuyên cho chất bôi trơn vào ống tiếp cáp và các vị trí chuyển động có ma sát, các vị trí ống uốn cong để giảm sức kéo, đảm bảo an toàn cho người kéo cáp.
Khi thực hiện lắp đặt cáp quang trong ống nhựa HDPE bằng thiết bị bắn cáp chuyên dùng, để bảo đảm an toàn lao động khi thi công, thiết bị bắn cáp phải được kê đặt ổn định, người điều khiển thiết bị phải được đào tạo và sử dụng thiết bị thành thạo. Khi người phụ trách thi công ra lệnh bắn cáp, tất cả mọi người phải đứng tránh xa cuộn cáp, dây cáp.
4.6 Nối cáp
Khi thi công cáp quang nằm dưới đường giao thông, người lao động phải sử dụng rào chắn hoặc biển báo.
Trong quá trình thi công, người lao động phải đeo dây an toàn, phải tạo được chỗ đứng chắc chắn để có thể dùng cả hai tay cho việc căng, cố định dây treo, sau đó nối dây dẫn bằng măng xông cáp.
Khi lau đầu cáp, mổ đầu cáp, mổ vỏ cáp để chuẩn bị nối cáp, người lao động phải đề phòng đứt tay, đầu kim loại đâm vào tay.
Để tránh các đầu sợi quang có thể gây tổn thương tay, chân, mặt người, người nối cáp phải thao tác cẩn thận, sau khi tách cáp, cắt cáp phải thu dọn ngay các mảnh vụn sợi quang cho vào hộp chứa có nắp đậy.
5. TIÊU CHUẨN ÁP DỤNG
Tất cả các vật liệu sử dụng phải có chất lượng tốt. Trong quá trình thi công, nhà thầu luôn tuân thủ và áp dụng những tiêu chuẩn và chỉ dẫn được nêu trong danh mục dưới đây:
TT | Các quy phạm | Tiêu chuẩn |
1 | Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng | TCVN-5308-91 |
2 | Tổ chức thi công | TCVN-4055-85 |
3 | Nghiệm thu các công trình xây dựng | TCVN-4091-85 |
4 | Hệ thống tiêu chuẩn ATLĐ. Quy định cơ bản | TCVN-2287-78 |
5 | Quy định QLCL công trình xây dựng" ban hành kèm theo quyết định số 18/2003/QĐ - BXD ngày 27/6/2003 của Bộ Xây dựng | TCN68-160:1995 |
6 | Cáp sợi quang – Yêu cầu kỹ thuật | TCN68-160:1995 |
7 | Quy phạm xây dựng công trình thông tin cáp quang (Code of Practice for the constructions of optical fiber communication system) |
TCN 68-178:1999 |
8 | Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông (National technical regulation on installation of outside telecommunication cable network) |
QCVN 33:2011/BTTTT |
6.TRANG THIẾT BỊ VÀ NGUỒN LAO ĐỘNG
6.1. Kế hoạch trang thiết bị
Vật liệu sử dụng trong công trình phải tuân theo quy định trong thiết kế. Trường hợp thay đổi vật liệu, phải được sự thoả thuận bằng văn bản giữa chủ đầu tư với bên thi công và được đơn vị thiết kế đồng ý.
Vật liệu đưa vào công trường phải được bảo quản và có người bảo quản theo đúng quy định
Trình duyệt danh mục chi tiết các thiết bị được cung cấp.
Cung cấp các thiết bị phục vụ thi công đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành trong công tác thi công.
Ngoài ra các thiết bị và vật liệu cung cấp cho công trình cần phải được đảm bảo các yêu cầu về chất lượng:
Tất cả các thiết bị phải đảm bảo mới 100%, không bị hỏng hóc, sẵn có trên thị trường và phù hợp và phù hợp việc thi công lắp đặt ở hiện trường.
Trong quá trình chế tạo, lắp đặt và vận hành thử nghiệm hệ thống đường dây và các thiết bị có liên quan, Nhà thầu cần sử dụng lực lượng nhân công được đào tạo có chứng chỉ, có tay nghề và kinh nghiệm thực tế cũng như có hiểu biết về các quy định kỹ thuật trong lắp đặt do nhà sản xuất đưa ra.
Toàn bộ hạng mục công việc cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế và trong tập quy định kỹ thuật này. Ngoài ra cần áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình quy phạm hiện hành của Việt Nam.
Toàn bộ vật tư thiết bị sử dụng phải có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong các điều kiện khí hậu như mưa to, độ ẩm cao (lớn hơn 85%), nắng mặt trời, trong điều kiện nhiệt độ xung quanh tối đa lên tới 500C.
Cần phải kiểm tra nghiêm ngặt các công việc đã được nêu ở trên nhằm đảm bảo các yếu tố đầu vào được tuân thủ các quy trình quy phạm và các chỉ dẫn kỹ thuật đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Máy, thiết bị sử dụng khi thi công phải tuân theo các tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước, của Bộ Bưu chính Viễn thông (Thông tin và Truyền thông) và phải được lựa chọn phù hợp với thực tế mạng lưới của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Máy móc, thiết bị và dụng cụ thi công đưa vào công trường phải được bảo quản và có người bảo quản theo đúng quy định.
Các thiết bị sử dụng để thi công cáp quang:
No. | Thiết bị | Số lượng | Sử dụng cho |
1 | Máy phát điện | 01 | Phát điện phục vụ thi công |
2 | Xe tải | 01 | Vận chuyển vật liệu |
3 | Xe cẩu tự hành | 01 | Lắp đặt |
4 | Máy thổi cáp | 01 | Lắp đặt |
5 | Máy hàn cáp | 01 | Lắp đặt |
6.2. Kế hoạch huy động nhân sự
Những người làm công tác thi công phải đảm bảo có đủ sức khoẻ và đã qua các lớp tập huấn về quy trình thi công, biết vận hành các thiết bị máy móc thi công tương ứng với công việc của mình. Nhân sự được huy động để thi công, lắp đặt hệ thống cáp quang:
STT | Danh sách nhân sự | Mô tả | Số lượng |
1 | Chỉ huy trưởng (Đội trưởng) | Điều hành công việc chung | 1 |
2 | Quản lý kỹ thuật | Giám sát công tác lắp đặt | 1 |
3 | Quản lý tiến độ | Kiểm soát tiến độ thi công | 1 |
4 | Quản lý chất lượng | Kiểm soát chất lượng gia công và xây lắp | 1 |
5 | Thợ vận hành | Lái xe, máy, hàn cáp quang | 6 |
6 | Nhân công phổ thông | Lắp đặt | 10 |
7 | Nhân viên an toàn | Đảm bảo an toàn | 1 |
8 | Nhân viên môi trường | Đảm bảo VSMT | 1 |
9 | An ninh, bảo vệ | Đảm bảo an ninh | 1 |
7. BIỆN PHÁP THI CÔNG HỆ THỐNG CÁP QUANG
Trước khi thi công, đơn vị thi công phải đảm bảo đã có đầy đủ các giấy phép xây dựng.
Việc thi công tuyến cáp phải tuân theo đúng thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và những tiêu chuẩn, quy phạm, quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Bưu chính Viễn thông và của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Đơn vị thi công không được tự ý thay đổi thiết kế. Trong trường hợp tình hình thực tế khó khăn không thể thi công đúng theo thiết kế, thì đơn vị thi công phải báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền (chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công để tổ chức xử lý). Ý kiến giải quyết cuối cùng phải bổ sung vào hồ sơ thiết kế, nhật ký thi công và lập thành biên bản.
Chủ đầu tư cần tổ chức bàn giao mặt bằng thi công giữa các bên: chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế và đơn vị thi công và các đơn vị khác có liên quan.
Đơn vị thi công phải tiến hành ghi nhật ký công trình. Nhật ký công trình phải ghi lại các hạng mục công việc chính của công trình. Nhật ký công trình được coi là một cơ sở để nghiệm thu công trình.
Chuẩn bị mặt bằng thi công cáp ngầm theo đúng các quy định của Nhà nước.
Chuẩn bị có phương án thông tin liên lạc, các phương án bảo đảm an toàn cho các công trình và đảm bảo an toàn lao động.
Nếu xây dựng tuyến mới gần tuyến thông tin đang sử dụng phải có phương án đảm bảo liên lạc và phải liên hệ chặt chẽ với đơn vị quản lý để có phương án bảo vệ và đảm bảo an toàn thì mới được phép thi công.
Việc phát sinh, thay đổi so với thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán đã được duyệt phải lập thành biên bản có sự thống nhất với bên thiết kế và chủ đầu tư.
Công tác chuẩn bị mặt bằng thi công phải được thực hiện trước khi thi công để đảm bảo mặt bằng thuận lợi nhất cho công tác thi công.
Các vật liệu trước khi đưa vào công trường đều phải được kiểm tra thí nghiệm và tập kết tại kho bãi thuận tiện cho công tác thi công.
Bố trí cán bộ kỹ thuật giám sát thi công đến các công đoạn thi công, tới từng vị trí công nhân làm việc nhằm bảo đảm việc thi công đúng thiết kế, đúng qui trình, qui phạm.
Bố trí cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề phù hợp với tính chất công việc đảm bảo sản phẩm làm ra hoàn hảo nhất.
Tất cả các máy móc phục vụ cho thi công đều phải được kiểm tra trước khi đưa ra thi công.
Các thiết bị thi công được kiểm tra và khẳng định chất lượng hoạt động tốt.
7.1 Nghiên cứu hồ sơ
Nghiên cứu hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công các tuyến cống, bể và các tài liệu liên quan trước khi thi công để phục vụ cho các công tác:
- Khảo sát, đo đạc lại trước khi thi công.
- Đề ra biện pháp thi công hợp lý, nhanh và an toàn.
- Lường trước được các khó khăn, các thay đổi (nếu có).
- Lập tiến độ thi công hợp lý.
- Chuẩn bị vật liệu, dụng cụ và thiết bị thi công theo từng vị trí thi công tuyến cáp.
7.2 Khảo sát, đo đạc lại tuyến và lập phương án thi công
Đơn vị thi công phải khảo sát lại tuyến dựa vào thiết kế kỹ thuật thi công công trình, để bước đầu nắm các số liệu cần thiết làm cơ sở cho việc lập kế hoạch thi công.
Việc khảo sát đo đạc lại tuyến thực hiện như sau:
- Xác định thành phần tham gia khảo sát gồm đại diện chủ đầu tư, đại diện đơn vị thi công và đại diện đơn vị quản lý tuyến cáp.
- Lập kế hoạch khảo sát đo đạc lại: nêu rõ thành phần, thời gian, địa điểm, phương tiện và các kết quả yêu cầu đối với đoàn khảo sát.
- Tiến hành công tác khảo sát đo đạc lại bao gồm các công tác:
- Kiểm tra tình trạng của hệ thống hầm, ống cống.
- Kiểm tra hệ thống đường dây điện lực trong đường hầm, xem xét phương án để đảm bảo an toàn trong thi công.
- Xác định những vị trí thi công đặc biệt bên trong đường hầm.
- Xác định vị trí đặt máy bắn cáp.
- Nghiên cứu, xác định các biện pháp thi công đảm bảo kỹ thuật và an toàn.
- Sau khi khảo sát lại, tiến hành lập báo cáo khảo sát để làm căn cứ để lập phương án thi công. Báo cáo bao gồm các nội dung như sau:
- Các số liệu thu được trên tuyến.
- Những khó khăn và biện pháp giải quyết.
- Các đề xuất khác.
Trên cơ sở các số liệu khảo sát lại và các tài liệu liên quan, tiến hành lập phương án thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng.
7.3 Kiểm tra, đo thử cáp
Việc kiểm tra, đo thử cáp trước khi lắp đặt được thực hiện như sau:
- Kiểm tra bằng mắt thường để đảm bảo rằng cáp không bị rạn nứt hay xoắn gãy, các đầu mút cáp đã được bảo vệ tốt.
- Dùng máy OTDR và máy đo công suất quang để đo các thông số sau: suy hao của sợi quang, kiểm tra độ dài của cáp. Nếu có thông số nào không đạt tiêu chuẩn thì tuyệt đối không được sử dụng và báo cho giám sát kỹ thuật lập biên bản.
- Đánh số, ký hiệu từng cuộn cáp sau khi đo để thuận lợi cho việc phân rải cáp khi thi công, lựa chọn đúng điểm măng xông theo thiết kế.
- Ghi lại các số liệu vào biên bản và lưu giữ để so sánh với số liệu đo kiểm tra khi nghiệm thu công trình.
7.4 Rải vật liệu
Trước khi chuyển vật liệu ra công trường, tiến hành kiểm tra quy cách, số lượng và chất lượng vật liệu và thiết bị phụ trợ khác.
- Trong khi vận chuyển vật liệu, lưu ý:
- Không được làm hư hỏng, mất mát vật liệu.
- Khi vận chuyển vật liệu bằng xe, chú ý chằng buộc chặt, tránh làm hỏng, vỡ.
- Khi đến công trường, tiến hành kiểm tra lại vật liệu trước khi tập kết và bàn giao để bảo quản theo quy định.
- Khi thi công, tiến hành rải vật liệu đến từng vị trí thi công đảm bảo đúng chủng loại, quy cách, số lượng tránh để bừa bãi dẫn đến hư hỏng vật liệu hoặc ảnh hưởng đến hiện trường thi công.
7.5 Lắp đặt cáp
Thiết bị bắn cáp dựa trên nguyên lý sử dụng áp lực khí nén để đẩy cáp vào ống. Khí nén có áp suất cao, lưu lượng lớn tràn đầy trong khoang ống làm cho sợi cáp nổi bên trong ống, có thể dễ dàng đẩy cáp đi qua cả những đoạn cong hay địa hình thay đổi độ cao. Đồng thời với việc cáp được thổi đi do dòng khí nén, còn có 1 thiết bị đẩy phía sau được 2 xích dẫn động bằng motor thuỷ lực.
Thiết bị ra cáp từ cuộn cáp vào lồng cáp cho phép thay thế kỹ thuật ra cáp cổ điển giúp cho thiết bị có thể bắn phân đoạn khi tuyến cáp quá dài hoặc cuộn cáp dài hơn khả năng cho phép bắn xa của thiết bị.
a) Chuẩn bị thiết bị
- Giá đỡ cáp, máy nén khí.
- Thiết bị bắn cáp.
- Lồng ra cáp.
- Thiết bị tời cáp.
- Dung dịch bôi trơn ống.
- Các phụ kiện ống nhựa: côlie nối ống, đầu bịt ống.
- Các dụng cụ cắt, xẻ ống như kìm, dao cắt chuyên dụng.
- Giẻ lau.
- Máy bộ đàm để liên lạc, chỉ huy.
- Thiết bị hàn nối cáp quang, thiết bị đo thử kiểm tra cáp quang.
b) Chuẩn bị vị trí bắn cáp trung gian
- Bố trí các vị trí bắn cáp trung gian nếu tuyến cáp có chiều dài lớn so với khả năng bắn của thiết bị (thường Lmax = 1000 – 1500 m). Vị trí bắn cáp trung gian lựa chọn để thuận lợi cho việc triển khai các thiết bị, dụng cụ bắn cáp.
- Tiến hành đào các hố bắn cáp trung gian. Hố bắn cáp trung gian là hố đào tạm thời để sử dụng khi bắn cáp, kích thước khi sử dụng 1 máy bắn cáp thường là 2mx0,7mx(chiều sâu rãnh cáp+0,1m). Sau khi thi công xong, hố bắn cáp trung gian được lấp trả lại như ban đầu.
Bố trí máy bắn cáp tại các hố trung gian
c) Bắn cáp
- Bố trí, lắp đặt thiết bị bắn cáp.
- Lắp cuộn cáp lên giá đỡ, trải bạt bảo quản cáp.
- Tháo nắp bịt và lắp đặt cáp vào hệ thống.
- Vận hành máy bắn cáp theo đúng quy trình thiết bị (kể cả ở các vị trí bắn trung gian).
- Cắt, nối ống bằng côliê nối ống tại các điểm bắn cáp trung gian.
- Để dư cáp tại hố nối và cáp nhập trạm cho mỗi đầu cáp. Cuốn gọn cáp dư được với bán kính cong lớn hơn bán kính cong cho phép.
- Dùng đầu bịt ống bịt các đầu ống đã luồn cáp tại các hố dự trữ, hố nối, đầu cáp nhập trạm.
d) Kiểm tra sau khi lắp đặt cáp
Việc kiểm tra cáp sau khi lắp đặt bao gồm các công việc sau đây:
- Kiểm tra để đảm bảo rằng cáp đã được lắp đặt đúng kỹ thuật.
- Đảm bảo rằng nút đầu cáp đã được gắn chắc chắn.
- Ống đã được gắn chắc chắn, không bị hư hỏng.
- Kiểm tra chiều dài cáp đã lắp đặt, chiều dài cáp dự trữ.
- Các số liệu về tình trạng cáp (nếu cần phải thực hiện đo thử).
Sau đó tiến hành lập biên bản kiểm tra cáp ghi lại đầy đủ các số liệu nói trên.
7.6 Hàn nối cáp, gắn thẻ và đánh số cáp
Hàn nối cáp quang
Việc hàn nối sợi quang thực hiện theo các trình tự như sau:
a) Chuẩn bị trang thiết bị hàn nối sợi quang:
- Thước kẻ.
- Dung dịch cồn, dung dịch rửa chất keo trên cáp quang.
- Khăn lau bằng vải bông, giấy xốp, mềm và dai.
- Dao cắt sợi, dao thường.
- Dụng cụ tuốt vỏ sợi.
- Dụng cụ cắt phần đệm và ống lỏng.
- Dụng cụ tuốt lớp vỏ phản xạ.
- Dụng cụ cắt cáp hoặc cắt sợi quang chính xác theo chiều dài.
- Kéo cắt và nhíp để kẹp sợi.
- Thùng chứa các sợi cắt bỏ.
- Găng tay bảo vệ da tay.
- Phụ kiện bảo vệ mối hàn.
- Máy hàn sợi quang.
- Khay giữ mối hàn và bảng nối hoặc măng xông.
- Máy đo OTDR (Optical Time Domain Reflectometer) hoặc máy đo công suất quang và nguồn phát quang ổn định.
b) Chuẩn bị các điều kiện hàn nối:
- Việc hàn nối ngoài trời phải bảo đảm nơi khô ráo, ít bụi bặm.
- Không đặt máy hàn hồ quang nơi gần các chất dễ cháy, nổ.
c) Chuẩn bị hàn nối
- Xác định chính xác các cặp sợi cần hàn. Sắp xếp sợi vào khay. Khay phải có các bộ giữ sợi.
- Bóc vỏ cáp với chiều dài tối thiểu là 2 m (độ dài phụ thuộc vào loại măng xông) bằng cách cắt lớp vỏ rồi dùng dây tách vỏ để kéo, tách lớp vỏ cáp. Nếu không có dây để tách vỏ cáp thì sử dụng dao để tách vỏ nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến phần đệm hoặc ống bọc lõng. Sau đó làm sạch các ống bọc lõng và phần đệm bằng dụng cụ lau chuyên dụng, cắt bỏ các phần phụ, chỉ để lại ống bọc lõng và sợi gia cường. Sợi gia cường được cắt ngắn phù hợp với độ dài cần thiết khi nối vào măng xông.
- Tuỳ theo độ dài khay hàn, bằng dụng cụ chuyên dụng ta cắt vỏ và tuốt ống bọc lõng tối thiểu là 1m. Đối với cáp bọc chặt, để không ảnh hưởng đến sợi, phải bảo đảm các sợi tự do.
- Lau sạch tất cả các sợi bằng dụng cụ chuyên dụng. Khi lau phải sử dụng găng tay bảo vệ để phòng chống ảnh hưởng của dung môi đến da tay.
- Dùng bộ tuốt vỏ để tuốt vỏ sợi khoảng 5 cm. Độ dài vỏ sợi tuốt phụ thuộc vào yêu cầu của bộ cắt sợi và phương pháp nối. Khi tuốt vỏ sợi nên dùng vải ráp (có bột mài). Luôn luôn giữ bộ tuốt sợi vuông góc với sợi trong khi tuốt.
- Khi lau sợi trần bằng vải lau chuyên dụng phải tẩm cồn và lau theo một hướng. Sử dụng găng tay bảo vệ để tránh tiếp xúc trực tiếp với các dung môi. Sau khi lau sạch không sờ vào sợi trần đã tuốt và sắp xếp sợi phải bảo đảm không tiếp xúc vào bề mặt sợi.
- Dùng dụng cụ để cắt sợi, độ dài sợi phải bảo đảm yêu cầu của kỹ thuật hàn.
- Tất cả các sợi cần hàn phải được cắt bằng bộ cắt sợi. Dùng cặp, nhíp để loại bỏ phần thừa của sợi. Sợi thừa loại bỏ phải để vào vị trí quy định. Khi cắt sợi phải đeo kính bảo vệ.
d) Hàn hồ quang:
Đưa các sợi quang cần hàn vào máy hàn và thực hiện các thao tác theo quy định. Suy hao của mối hàn sẽ được chỉ thị trên máy. Suy hao mối hàn không được lớn hơn 0,08 dB/1 mối hàn. Nếu mối hàn đạt tiêu chuẩn thì phải bảo vệ mối hàn bằng ống co nhiệt hoặc bằng kẹp nhôm hoặc bằng các dụng bảo vệ chuyên dụng khác. Tiến hành đo kiểm tra bằng máy OTDR (hoặc máy đo công suất quang) theo cả hai chiều. Nếu mối hàn không đạt yêu cầu thì thực hiện các thủ tục hàn lại cho đến khi đạt yêu cầu mới tiếp tục bảo vệ mối hàn.
- Sau khi hàn nối sợi quang xong phải cẩn thận đưa mối hàn vào trong khay hàn. Bán kính cong của sợi quang phải bảo đảm lớn hơn 20 lần đường kính cáp.
- Sau khi tất cả các sợi quang đã được hàn ta cần giữ cho cho các sợi chắc chắn bằng các ống hoặc các bọc đệm đặt trên. Các sợi riêng lẻ được cuộn quanh khay. ống bao sợi và đệm sợi phải được xếp vòng quanh giá đỡ. Cáp và dây gia cường được giữ chặt nhờ các kẹp và vít.
- Sau khi đo, kiểm tra các mối hàn đã thoả mãn yêu cầu kỹ thuật ta đóng măng xông lại.
Lắp đặt măng xông cáp quang
Việc lắp đặt măng xông cáp quang được thực hiện như sau:
a) Chuẩn bị
- Mặt bằng phải đảm bảo dễ bố trí vật liệu, không có hơi ga, chất dễ cháy, đảm bảo cho việc hàn nối.
- Hạn chế người vào khu vực thi công.
b) Lắp đặt măng xông
- Kiểm tra hộp măng xông xem có đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật không?
- Chuẩn bị măng xông tuỳ theo cáp.
- Cuốn băng dính vào điểm lắp kẹp cáp phù hợp với loại măng xông đã lựa chọn.
- Lắp kẹp cáp không để cáp gập quá bán kính uốn cong cho phép. Sau khi xiết chặt kẹp vào cáp, vít chặt dây gia cường vào tiếp đất dây gia cường.
- Bôi mỡ lên thành của vỏ trong măng xông.
- Bôi mỡ vào mặt trong các cổng của gioăng nhựa.
- Đặt gioăng nhựa rồi ấn chặt nó lên thành vỏ trong măng xông.
- Hàn nối.
- Kiểm tra chất lượng mối hàn.
- Bôi mỡ lên mặt trên của gioăng nhựa.
- Bọc vỏ trong măng xông bằng lưới đệm.
7.7 Kết cuối cáp quang
a)Chuẩn bị vật liệu, dụng cụ
- Kìm, dao chuyên dùng
- Tô vít...
b) Thực hiện kết cuối cáp quang tại giá ODF
Việc lắp đặt cáp quang tại giá ODF thực hiện như sau:
- Làm vệ sinh cáp.
- Bóc tuốt vỏ cáp quang rồi quần băng dính vào điểm lắp kẹp cáp. Khi cuốn phải lắp thêm một ống đệm để tránh kẹp trực tiếp vào vỏ cáp.
- Lắp kẹp cáp, phải bảo đảm khi đưa cáp vào không bị gập quá bán kính uốn cong cho phép, xiết chặt kẹp vào cáp, vít chặt dây gia cường vào thanh định vị hoặc/và tiếp đất dây gia cường. Định vị ống lõng vào khe quy định, đậy nắp ngăn ống sợi không để kẹp vào ống sợi.
- Phân nhóm sợi quang đặt trong ống nhựa theo từng nhóm. Lắp khay chứa sợi quang vào giá. Định vị dây nối quang vào khay chứa sợi quang, đánh dấu các dây nối.
- Phân nhóm dây nối quang.
- Đưa sợi quang đã hàn đạt chất lượng vào khay đựng sợi quang, tuyệt đối không để sợi quang cong quá bán kính uốn cong cho phép.
- Đặt ống co nhiệt mối hàn đúng vị trí theo thứ tự trong gá ống bảo vệ.
- Lắp bộ nối quang trên bảng tiếp hợp. Đánh dấu tên cho từng vị trí bộ nối quang.
- Định vị cáp trên đầu giá ODF.
BẢO VỆ CÁP
- Đối với cáp quang phi kim loại, không yêu cầu đảm bảo tính liên tục trên toàn bộ chiều dài. Tuy nhiên, tại các vị trí dễ bị ảnh hưởng của sét, cần duy trì chôn ở khoảng cách thích hợp với các vật kim loại ngầm dưới đất để ngăn ngừa hư hỏng do hồ quang của sét tác động tới vật kim loại ngầm dưới đất.
- Đối với cáp quang có các thành phần kim loại:
- Hàn nối để duy trì tính liên tục của tất cả các thành phần kim loại. Các thành phần kim loại sẽ được liên kết với các thành phần kim loại của vỏ bộ lặp, măng xông...
- Các thành phần kim loại sẽ được tiếp đất tại các vị trí bộ lặp.
- Sử dụng các dây che chắn bảo vệ cho cáp quang. Dây che chắn bảo vệ có thể được thực hiện bằng đặt một dây che chắn bảo vệ đơn ở trên hoặc bằng cách đặt hai dây che chắn bảo vệ ở trên ở cả hai bên cáp quang.
- Lắp đặt các bộ bảo vệ cho đôi dây kim loại bên trong cáp.
Cáp chôn trực tiếp ở một số khu vực có thể bị mối xông hoặc bị động vật gặm nhấm, để ngăn chặn phải tạo lớp che chắn bao bọc bên ngoài cáp. Việc thực hiện ngăn chặn được thực hiện như sau:
- Sử dụng lớp vỏ bọc cứng cho cáp hoặc cử lý cải tạo đất bằng cách sử dụng hoá chất chống kiến, mối... ở khu vực 2 bên tuyến cáp. Thực tế cho thấy, việc sử dụng hoá chất rất tốn kém và ảnh hưởng môi trường nên ít được sử dụng. Cũng có thể lựa chọn loại vật liệu làm lớp vỏ bọc ngoài bảo vệ cáp hợp lý để giảm khả năng mối xâm nhập và động vật gặm nhấm.
7.8 Kiểm tra, đo kiểm nghiệm thu tuyến cáp quang
Việc nghiệm thu cần đảm bảo tuân theo các quy định trong Quy phạm xây dựng mạng ngoại vi của Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam.
a) Kiểm tra, đo nghiệm thu toàn tuyến
Việc kiểm tra, đo thử tuyến cáp sau khi thi công được thực hiện như sau:
- Kiểm tra các biên bản và số liệu nghiệm thu từng phần.
- Thực hiện các phép đo theo quy định trong trong "Quy trình đo thử chất lượng mạng cáp sợi quang và mạng cáp sợi đồng" của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Việc kiểm tra hộp nối, hộp đấu dây và các trang bị phụ trợ khác thực hiện như sau:
- Kiểm tra để đảm bảo rằng các trang bị đã được lắp đặt đúng vị trí, đúng kỹ thuật, đã được trang bị tiếp đất, bảo vệ đầy đủ;
- Kiểm tra để đảm bảo rằng các mối nối đã được thực hiện đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng.
Các kết quả đo thử, kiểm tra phải được ghi vào biên bản để làm cơ sở khi nghiệm thu công trình.
b) Lập hồ sơ hoàn công, chuẩn bị công tác nghiệm thu tổng thể công trình và bàn giao
Lập hồ sơ hoàn công công trình để gửi lên hội đồng nghiệm thu và bàn giao công trình phải thể hiện:
- Các biên bản và số liệu nghiệm thu từng phần.
- Nhật ký công trình.
- Các bản vẽ hoàn công.
- Các số liệu tổng hợp toàn tuyến:
Chiều dài tuyến (cáp, dự trữ, hàn nối).
Chiều dài ống HDPE sử dụng.
Số lượng hàn nối hộp đấu dây...
7.9 Hoàn trả mặt bằng thi công, thu dọn, kiểm tra máy móc thiết bị
- Hoàn trả mặt bằng thi công, thu dọn và trả lại hiện trạng ban đầu của khu vực vừa thi công.
- Kiểm tra, vệ sinh các loại máy móc và đưa ra khỏi công trường.
8. ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG/ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
8.1 Thiết bị thí nghiệm kiểm tra ( đủ số lượng và tính năng phù hợp )
Tất cả các loại vật tư, vật liệu trước khi đưa vào thi công công trình, Nhà thầu đều tiến hành làm các thí nghiệm (do các cơ quan có đủ chức năng thực hiện) Vũ các chỉ tiêu cơ, lý, hoá, thành phần hỗn hợp, thành phần cốt liệu, nguồn gốc và trình Chủ đầu tư (hoặc Kỹ sư tư vấn giám sát) xem xét. Chỉ sau khi được phê duyệt mới đưa vào sử dụng.
Tất cả các loại vật liệu đưa vào sử dụng đều mới 100%, thoả mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu và đăng ký chất lượng của nhà sản xuất và có chứng chỉ về chất lượng của nơi sản xuất, hay xác nhận các chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng của cơ quan có thẩm quyền. Được nhà thầu thí nghiệm để kiểm tra, kiểm định và được sự đồng ý của Kỹ sư TVGS.
Chứng chỉ xác nhận nguồn, chất lượng vật tư tại nơi mua hoặc sản xuất bao gồm: Phiếu xuất kho, phiếu kiểm định chất lượng, số lượng, xuất xưởng...
Chứng chỉ chất lượng vật liệu tại hiện trường: Tất cả các loại vật tư tại công trình trước khi sử dụng đều phải lấy mẫu thí nghiệm tại những đơn vị có tư cách pháp nhân.
8.2 Các giải pháp quản lý chất lượng các hạng mục.
Chất lượng cho từng loại công tác thi công mang tính chất sống còn, quyết định chất lượng công trình. Tất cả các vật liệu đưa vào sử dụng đều mới 100%, thoả mãn các tiêu chuẩn của Việt Nam và đăng ký chất lượng của nhà sản xuất, và sẽ có chứng chỉ về chất lượng của nơi sản xuất, hay xác nhận các chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng của cơ quan có thẩm quyền. Được Nhà thầu thí nghiệm để kiểm tra, kiểm định và được sự đồng ý bằng văn bản của Kỹ sư TVGS.
Lập hệ thống quản lý chất lượng nội bộ nhà thầu trong đó quy định rõ trách nhiệm quyền hạn của từng thành viên trong hệ thống
Chất lượng sản phẩm luôn luôn là vấn đề được Nhà thầu chúng tôi quan tâm hàng đầu và được xây dựng thành quy trình khoa học chặt chẽ nhằm quản lý chất lượng xây lắp công trình tốt nhất.
Quản lý chất lượng là quá trình thiết lập, bảo quản và duy trì mức độ cần thiết theo chỉ dẫn thiết kế trong quá trình gia công, lắp dựng, thi công và đưa vào sử dụng. Quá trình này được thực hiện bằng cách thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát thi công, theo đúng bản vẽ, thực hiện đúng các quy trình, qui phạm tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật và các tác động có ảnh hưởng đến chất lượng. Tiến hành theo trình tự nghiệm thu đầu vào từng phần công đoạn cho từng công việc cụ thể.
Hệ thống quản lý hồ sơ, tài liệu và các chỉ tiêu kỹ thuật đã được quy định sẽ được sử dụng vào công trình, kiểm tra định kỳ công tác kỹ thuật xây lắp, thanh tra kỹ thuật, an toàn lao động. Quá trình kiểm tra, giám sát có sự tham gia của bản thân người lao động, kỹ thuật hiện trường, Chỉ huy trưởng công trình, cán bộ giám sát chất lượng của Nhà thầu nhằm phát hiện ngăn ngừa và loại trừ hư hỏng và sự cố đối với công trình trong mọi chi tiết mọi công đoạn.
Kiểm tra giám sát chất lượng vật liệu công tác xây lắp được thực hiện cả trên hiện trường, trong phòng thí nghiệm, tại các đơn vị trực thuộc và cả các đại lý cung cấp bằng các dụng cụ, thiết bị thí nghiệm tiên tiến để đánh giá chất lượng vật liệu và chất lượng công trình chính xác nhất.
9. KẾ HOẠCH ĐẢM BẢO AN TOÀN
- Tất cả các thiết bị được kiểm tra bởi các nhân viên an toàn của các Nhà thầu và Nhà thầu phụ, kỹ sư tư vấn trước khi vận hành trên công trường.
- Cáp quang được kiểm tra một cách cẩn thận trước khi thi công.
- Công nhân và các bên khác tránh xa khu vực hoạt động của xe tải hoặc cần cẩu khi bốc xếp vật liệu.
- Sắp xếp nhân công cầm cờ hướng dẫn giao thông.
- Bất kỳ nhân công trên công trường đều phải được cung cấp đủ trang thiết bị bảo hộ như mũ bảo hiểm , giày dép, và găng tay.
- Trước khi thực hiện bất kỳ công việc nào, người lao động phải được hướng dẫn cụ thể.
- Để đảm bảo tiến độ dự án, công việc lắp đặt có thể tiến hành ngay cả trong ca đêm. Khi đó, các máy phát điện sẽ được cung cấp để cung cấp hệ thống chiếu sáng đầy đủ cho công việc lắp đặt.
10. KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
- Nhà thầu tuân thủ nghiêm các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN mới nhất liên quan đến bảo vệ môi trường và các biện pháp áp dụng nhằm giảm thiểu tác động của các hoạt động thi công của Nhà thầu đến môi trường tại các vị trí: Nhà ở, văn phòng làm việc, đường vận chuyển vật liệu, sự tác động đối với khu dân cư, đặc biệt khu vực có mật độ dân cư đông đúc.
- Nhà thầu phải khảo sát vị trí đổ thải và quan thủ với chính quyền địa phương trong công tác vệ sinh môi trường.
- Khi thi công công trình phải chấp hành đầy đủ các qui định của Nhà nước và các điều khoản trong yêu cầu kỹ thuật của Hồ sơ.
- Loại bỏ bụi, rác, dầu, ...vv đến khu vực bãi thải theo quy định.
- Hạn chế gây tiếng ồn và rung động trong quá trình thi công.